Đoàn ĐB Quốc Hội tiếp xúc với cử tri ngành GD Thanh Hóa
Những kiến nghị, đề xuất của cử tri ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa
với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
(Vũ Mỹ Long, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT)
Ngày 28/11/2017 (từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ) tại Cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo đã diễn ra buổi tiếp xúc giữa cử tri ngành Giáo dục với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Là một dịp bổ ích, ý nghĩa, cử tri trong ngành được nghe kết quả thành công của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, đồng thời là cơ hội để trao đổi, đề đạt những nguyện vọng của mình với Quốc hội, các bộ, ngành trung ương.
Trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, khẩn trương và nghiêm túc, hội nghị đã nghe 9 cử tri phát biểu trực tiếp và hàng chục ý kiến kiến nghị, đề xuất bằng văn bản với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về giáo dục và đào tạo hiện nay.
1. Kiến nghị, đề xuất về biên chế đội ngũ nhà giáo
Hiện nay đội ngũ giáo viên Thanh Hóa vừa thừa vừa thiếu, không đồng bộ về bộ môn do những năm qua số học sinh giảm, nhiều năm qua không tuyển giáo viên. Những năm gần đây, số học sinh tăng dần lên nên giáo viên thiếu nhiều, nhất là bậc học mầm non, tiểu học;
- Đề nghị UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế cho ngành GD&ĐT theo thực tế năm học và đúng quy định của Chính phủ, Bộ GD&ĐT. Hiện tại, UBND tỉnh vẫn giao biên chế cho các huyện theo số cũ cách đây 5 năm, trong khi nhiều đơn vị có số lớp, số học sinh tăng. Nếu không giao biên chế thêm cần hướng dẫn cho các đơn vị hợp đồng đảm bảo số lượng giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
- Hiện nay, UBND huyện, thị, thành phố trong tỉnh giao biên chế cho phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện không đồng nhất, còn bất cập; nên giao số lượng theo đơn vị hành chính (phòng loại một thì giao bao nhiêu cán bộ, phòng loại 2 thì quy định bao nhiêu cán bộ...)
- Đề nghị UBND tỉnh sớm điều chỉnh lại định biên số trẻ/nhóm, lớp đảm bảo cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ an toàn, đạt chất lượng tốt (hiện tại đang thực hiện theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 23/8/2016 có nhiều bất cập). Thực tế hiện nay, nhiều trường học định biên số cháu/lớp quá tải so với quy định.
- Đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện giao biên chế giáo dục hằng năm học của các địa phương.
2. Kiến nghị, đề xuất về chế độ, chính sách nhà giáo
- Đề nghị Chính phủ cấp chế độ thâm niên nhà giáo cho cán bộ đang công tác tại phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện, Sở GD&ĐT (trước đây công tác ở các trường học);
- Đề nghị Chính phủ cải tiến tiền lương và nâng lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục, vì mức lương hiện nay chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non về nghỉ bảo hiểm xã hội, bậc lương quá thấp (1.300.000đồng/tháng trở xuống, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 người);
- Đề nghị Bộ GD&ĐT có cơ chế chính sách thu hút những học sinh có học lực giỏi, khá vào học các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng đáp ứng yêu cầu phát triển chất lượng giáo dục hiện nay.
3. Kiến nghị, đề xuất về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Những năm gần đây, cơ sở vật chất của các trường học trong tỉnh từng bước được xây dựng khang trang, sạch, đẹp, theo hướng hiện đại; nhiều trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, nhiều trường còn khó khăn, thiếu thốn do CSVC, thiết bị dạy học đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không có kinh phí để tu sửa, nâng cấp, bổ sung, đặc biệt là bậc học mầm non còn khoảng 20% số phòng học tạm, mượn, tranh, tre, lứa lá.
- Đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục để tăng cường kinh phí xây dựng CSVC, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cho các nhà trường, trong đó có kinh phí cho công tác PCGDMN trẻ em 5 tuổi.
- Đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho các nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia cách đây sau 5 năm, CSVC, thiết bị nhà trường đã xuống cấp cần được bổ sung nâng cấp để đảm bảo các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia.
- Đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc đầu tư kinh phí xây dựng CSVC, thiết bị dạy học, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục hằng năm để phòng, tránh thất thoát...
4. Kiến nghị, đề xuất về công tác xã hội hóa giáo dục
Trong những năm qua, CSVC trường học ngày càng được đầu tư xây dựng kiên cố, cao tầng, hiện đại theo hướng đạt chuẩn quốc gia, trong đó, ngoài ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, công tác xã hội hóa ở các địa phương đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc xây dựng, tu sửa, bổ sung các hạng mục công trình trong nhà trường. Tuy nhiên, gần đây việc huy động XHH từ phía cha mẹ học sinh ở nhiều địa phương gặp nhiều vướng mắc (như mức huy động ở các địa phương không đồng đều, quy trình thu chưa đúng quy định...), nhiều phụ huynh, cơ quan báo, đài phản ánh gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành GD&ĐT.
Để giải quyết vấn đề này, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành chức năng liên quan có văn bản hướng dẫn chỉ đạo, thống nhất với các địa phương về xã hội hóa giáo dục thông qua thu kinh phí từ phụ huynh học sinh để tăng cường CSVC, thiết bị dạy học hằng năm, cũng như hỗ trợ hoạt động chuyên môn dạy và học của nhà trường khi nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà nước cấp cho các nhà trường còn eo hẹp.
- Đề nghị các cấp có thẩm quyền nên có quy định về mức sàn trong việc huy động XHH giáo dục cho các địa phương (trong đó, quy định mức thu phù hợp với các vùng, miền: thành phố, miền núi, đồng bằng...).
5. Kiến nghị, đề xuất về thực hiện mô hình trường học mới ở THCS
Hiện nay, việc thực hiện mô hình trường học mới ở THCS gặp rất nhiều khó khăn, bất cập không những ở một địa phương mà nhiều địa phương trong cả nước đã được báo, đài phản ánh. Đối với Thanh Hóa, số trường thực hiện mô hình này đã giảm dần (năm học 2017-2018 có 11 huyện xin dừng) do phụ huynh học sinh không đồng thuận
- Đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức đánh giá thực tiễn tại các cơ sở giáo dục và tổng kết 5 năm triển khai thí điểm mô hình trường học mới cấp THCS trên phạm vi toàn quốc, nắm bắt những khó khăn, bất cập ở các địa phương để kịp thời có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
- Rà soát, đánh giá các điều kiện đảm bảo triển khai mô hình trường học mới cấp THCS: Về chương trình, sách giáo khoa; đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất thiết bị phục vụ dạy- học, chất lượng giáo dục và các điều kiện khác. Nếu không đáp ứng được yêu cầu thì đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho dừng triển khai mô hình trường học mới đối với cấp THCS.
6. Kiến nghị, đề xuất về chấn chỉnh, xử lý những thông tin phản ánh không chính xác và đơn thư nặc danh phản ánh sai sự thật làm giảm uy tín nhà giáo và ngành.
Trong những năm qua, cùng với sự cố gắng nỗ lực của ngành Giáo dục, các cơ quan báo, đài trong và ngoài tỉnh đã đồng hành tuyên truyền, phản ánh kịp thời những thành tích đáng tự hào mà Ngành đã đạt được, khẳng định vị thế của Giáo dục tỉnh Thanh Hóa với giáo dục cả nước. Qua đó tiếp tục động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên, học sinh nỗ lực phấn đấu vươn lên trong giảng dạy và học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh những bài báo phản ánh chân thực theo hướng tích cực về hoạt động của ngành còn cá biệt có bài báo đưa tin phản ánh sai sự thật, đâu đó còn có đơn thư nặc danh xuyên tạc về ngành, về cán bộ quản lý, giáo viên làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo, công sức cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành.
Đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp để chấn chỉnh những phóng viên, biên tập viên viết bài phản ánh không trung thực, đồng thời điều tra, xử lý các đơn thư nặc danh có động cơ cá nhân, xuyên tạc sự thật, nhằm bôi nhọ cán bộ, giảm uy tín cán bộ...
7. Kiến nghị đề xuất về công tác quy hoạch các trường đại học; công tác đào tạo và sử dụng lao động
Hiện nay, tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không đúng chuyên môn chiếm số lượng lớn, lãng phí thời gian, công sức, tiền của của gia đình, của nhà nước.
Đề nghị Chính phủ rà soát, quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục các trường đại học hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; điều chỉnh quy hoạch đào tạo theo hướng gắn với sử dụng, tránh tình trạng khủng khoảng thừa, thiếu, đặc biệt là sinh viên sư phạm.
Cử tri ngành Giáo dục Thanh Hóa tin tưởng và kỳ vọng với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của nhân dân, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, giáo viên, học sinh, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng sẽ thành công trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, góp sức xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh./.