linh tây tower

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định

Nhiều năm liên tục có học sinh đoạt giải tại kỳ thi Olympic quốc tế; trên 60 học sinh đoạt giải quốc gia các môn văn hóa mỗi năm; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn đứng tốp đầu, Thanh Hóa đã và đang giữ vững “thương hiệu” chất lượng giáo dục mũi nhọn và trở thành địa phương có “tên tuổi” trong nền giáo dục cả nước những năm gần đây.

Đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trao Bằng công nhận trường chuẩn quốc gia cho Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân - tháng 9-2013). Ảnh: Quốc Hương 

Giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngoài sự quan tâm, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, đồ dùng giảng dạy, học tập, không thể không nói đến đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đó là cơ sở cho sự phát triển bền vững. Theo đồng chí Phạm Thị Hằng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), để thực hiện mục tiêu đề ra, hằng năm, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chất lượng giáo dục đại trà, nâng chất lượng đầu vào, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và học sinh giỏi các cấp. Đối với một số trường có tỷ lệ học sinh đạt giải các cấp hàng năm cao như Trường THPT Chuyên Lam Sơn (TP Thanh Hóa), THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa), THPT Hoàng Lệ Kha (Hà Trung), THPT Lê Lợi (Thọ Xuân)... đặc biệt là Trường THPT Chuyên Lam Sơn, đơn vị chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển của tỉnh tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trường học, quản lý công tác chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Từ những định hướng đúng, chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm và sự cổ vũ, khích lệ, động viên kịp thời những người thầy tâm huyết, những học trò xuất sắc nên chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh những năm gần đây không ngừng được nâng lên. Nếu năm 2011, toàn tỉnh có trên 13.000 học sinh đỗ đại học, cao đẳng, đạt tỷ lệ 18%, năm 2013 con số này đã nâng lên 24%, với hơn 15.300 học sinh. Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều học sinh đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học danh tiếng trong nước. 6 năm liên tiếp có học sinh dự thi và đoạt giải Olympic quốc tế với 12 huy chương các loại, đứng thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội và Hải Phòng (không tính khối chuyên thuộc các trường đại học). Riêng năm 2013, Thanh Hóa tiếp tục ghi thêm thành tích trên đấu trường tri thức trong nước và quốc tế với 64 học sinh đạt giải quốc gia các môn văn hóa, 3 học sinh đạt giải Olympic quốc tế môn Vật lý và Tin học. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có gần 160 em đạt tổng điểm cao, trong đó có 50 em đạt 27,5 điểm trở lên, 14 em đỗ thủ khoa các trường đại học hàng đầu cả nước. Đóng góp vào thành tích đáng tự hào trên có thể kể đến các gương mặt xuất sắc như các em: Lê Huy Quang, đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế; Lê Quang Lâm đoạt Huy chương Đồng  Olympic Toán quốc tế, năm học 2011 - 2012; Mỵ Duy Hoàng Long, đoạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế; Lê Duy Anh, đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý quốc tế; Lê Xuân Mạnh, đoạt Huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế năm học 2012-2013...

Cùng với sự phát triển của giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn của Thanh Hóa luôn bảo đảm được tính ổn định và có chiều hướng phát triển kể cả các giải quốc gia và quốc tế. Kết quả đạt được trong những năm gần đây, đặc biệt là trong “năm học vàng” 2012-2013 đã khẳng định bước đi đúng hướng, vững chắc về công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo những “hạt nhân” từ cơ sở của ngành giáo dục. Đây cũng là kết quả của sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là sự năng động, sáng tạo của các nhà trường, của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cùng với  sự say mê học tập, sáng tạo không ngừng của các em học sinh. Kết quả đó được coi như “cú hích” quan trọng góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới.

Theo "Báo Thanh Hóa điện tử"

File đính kèm:
seo
своими руками